Protein: nên chọn protein động vật hay thực vật?

by Khánh Huyền
3.9K views
nguồn protein nào tốt, chọn nguồn protein, eat clean, protein

Huyền đã viết 2 bài về các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể trong ngày rồi, nếu bạn chưa đọc thì dành ít phút ngó qua nha!

Cơ thể cần chất dinh dưỡng gì trong một ngày (P1)

Cơ thể cần chất dinh dưỡng gì trong một ngày (P2)

Đọc 2 bài viết trên là bạn đã trang bị được các kiến thức rất cơ bản về dinh dưỡng và sức khỏe rồi đó. Còn giờ mình quay lại chủ đề chính hôm nay nha. Hôm nay, Huyền sẽ cùng các bạn thảo luận sâu hơn về vấn đề: Nên chọn protein động vật hay thực vật?

protein thực vật hay động vật, ăn protein loại nào, mua protein
Source: Phytosure

*Thông tin trong bài viết tham khảo từ web của Trường Y tế Công cộng T.H.Chan (Mỹ)

Đầu tiên, mình lại đi qua vài kiến thức cơ bản về protein đã nhé:

1. Protein là gì?

Các bạn biết đó, protein là một chất dinh dưỡng đa lượng (macronutrient). Protein thực sự quan trọng bởi hầu hết các cơ quan trong cơ thể chúng ta đều được cấu tạo bởi protein: cơ, xương, tóc, da hay các mô cơ thể. Nó tạo ra các enzym xúc tác các phản ứng hóa học trong cơ thể và tạo hemoglobin để vận chuyển oxy trong máu. Có ít nhất 10.000 loại protein khác nhau trong người bạn, giữ cho bạn là chính bạn như bây giờ.

Axit amin cấu tạo nên protein. Có hơn 20 loại axit amin, trong đó có 9 loại thiết yếu được lấy qua đường ăn uống.

2. Cơ thể ta cần bao nhiêu protein?

Các nguồn thông tin y tế trên thế giới đưa ra một con số: tối thiểu 0.8g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là:

  • Một người phụ nữ 50kg nên nạp ít nhất 40g protein/ngày.
  • Một người đàn ông 70kg nên nạp ít nhất 56g protein/ngày.

Tuy nhiên, con số này còn có thể thay đổi dựa trên tuổi tácmức độ hoạt động của cơ thể chúng ta nữa.

3. Điều gì là quan trọng khi chọn protein?

Thực chất, lượng protein bạn nạp vào không quan trọng bằng nguồn protein bạn lấy từ đâu. Bạn biết không, chúng mình ăn thịt bò không có nghĩa là chúng mình chỉ nạp protein từ đó. Thứ mình nạp là protein và cả những chất đi kèm với nó: chất béo, đường, xơ, canxi, natri…Các nhà khoa học gọi đây là “gói” protein (protein “package”). Chính cái “gói” này tạo nên sự khác biệt cho sức khỏe.

4. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa protein và sức khỏe

Có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã được thực hiện để tìm hiểu về mối liên quan giữa nguồn protein và sức khỏe con người. Kết quả chỉ ra rằng: Ăn các nguồn protein lành mạnh như đậu, hạt, cá hoặc thịt gia cầm thay cho thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giảm nguy cơ mắc một số căn bệnh và hạn chế tử vong sớm.                

Nếu các bạn muốn đọc kĩ các kết quả nghiên cứu dẫn đến kết luận này, mình sẽ để link ở cuối. Còn bây giờ mình sẽ nêu ra một số ví dụ ở đây: 
  • Một nghiên cứu kéo dài 20 năm trên 80.000 phụ nữ cho thấy: Những người ăn chế độ ít carbohydrate, nhiều chất béo và protein từ thực vật có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 30% so với những phụ nữ ăn nhiều carbohydrate và theo chế độ ăn kiêng ít chất béo. Tuy nhiên, nếu những người đó ăn ít carbohydrate, nhưng nhiều chất béo/ protein động vật thì kết quả lại không được tốt như vậy.
  • Vào 10/2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO đã kết luận rằng việc tiêu thụ thịt chế biến sẵn là “gây ung thư cho con người” và việc tiêu thụ thịt đỏ là “có thể gây ung thư cho con người”. Một nhóm IARC (bao gồm 22 nhà khoa học từ 10 quốc gia) đã đưa ra kết luận này sau khi đánh giá hơn 800 nghiên cứu.
  • Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard Chan đã theo dõi chế độ ăn uống và thói quen lối sống của hơn 120.000 nam giới và phụ nữ trong vòng 20 năm,. Họ xem xét những thay đổi nhỏ ảnh hưởng đến cân nặng ra sao. Họ kết luận: “Những người ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến trong quá trình nghiên cứu sẽ tăng cân nhiều hơn. Cụ thể, họ tăng thêm khoảng 0,4kg mỗi 4 năm, trong khi những người ăn nhiều hạt hơn trong quá trình nghiên cứu tăng cân ít hơn, lại còn giảm khoảng 0,23kg sau mỗi 4 năm.

Quả là những phát hiện hay ho!

5. Nguồn protein lành mạnh cũng giúp bảo vệ môi trường!

Để củng cố thêm lợi ích của các nguồn protein lành mạnh đến từ thực vật và thịt trắng, mình sẽ cùng xem tác động của chúng đến môi trường.

Nông nghiệp là ngành đóng góp lớn vào lượng phát khí thải nhà kính (GHG) trên toàn cầu, gây nên biến đổi khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thực phẩm đều có tác động đến môi trường như nhau. Sản xuất thực phẩm từ động vật có xu hướng phát thải khí nhà kính cao hơn so với sản xuất thực phẩm từ thực vật. Sữa và thịt đỏ (đặc biệt là thịt bò, thịt cừu và dê) là những cái tên khá tai tiếng góp phần làm ô nhiễm Trái Đất.

Bạn có thể xem kĩ hơn tác động của từng loại thực phẩm đến môi trường qua hình ảnh dưới đây:

thực phẩm bảo vệ môi trường
Source: World Resources Institute

Lời kết: Chọn protein động vật hay thực vật?

Đọc đến đây thì các bạn chắc cũng có câu trả lời cho mình rồi đúng không? Cùng Huyền nhắc lại cho nhớ nè: Không phải nguồn protein nào cũng giống nhau. Chất lượng protein quan trọng hơn số lượng. Hãy ăn các nguồn protein lành mạnh như đậu, hạt, cá hoặc thịt gia cầm thay cho thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.

Đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Huyền mong qua các bài viết về dinh dưỡng, các bạn sẽ tháo gỡ được nhiều khúc mắc trong việc lựa chọn thực phẩm healthy cho mình và gia đình. Còn gì ngầu hơn là hiểu rõ và chăm sóc sức khỏe thật thông minh, các bạn nhỉ!

Nguồn tham khảo: 

Bài báo về protein của trường Y tế Công cộng T. H. Chan 

World Resources Institute

Bạn có thể thích

Leave a Comment

2 comments

Dễ tăng cân: nguyên nhân và cách khắc phục! 2021 - Eatclean HUB 09/08/2021 - 4:59 PM

[…] rim Calo trong các thực phẩm thường dùng –… Cháo yến mạch rong biển Protein: nên chọn protein động vật hay thực… Nem rán ức gà eat clean (Chả giò/Chả… Bánh đa “kê” phiên bản eat […]

Reply
Calo trong các thực phẩm thường dùng 2021 - Eatclean HUB 06/08/2021 - 4:43 PM

[…] Calo trong các thực phẩm thường dùng –… Cháo yến mạch rong biển Protein: nên chọn protein động vật hay thực… Nem rán ức gà eat clean (Chả giò/Chả… Bánh đa “kê” phiên bản eat […]

Reply